Thống đốc yêu cầu các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm khi cấp tín dụng.
Cơ quan quản lý cũng cho biết thời gian tới sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm thời gian gần đây, trong đó kênh tín dụng ngân hàng là một nút thắt. Việc tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều nhà băng chạm trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân. Tình trạng hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng...
Trong số những giải pháp để tháo gỡ nút thắt này, nhiều chuyên gia đã đề xuất việc nới room tín dụng 2022 để tạo dư địa cho các nhà băng mở rộng việc cho vay. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính tới tháng 9 đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm ngoái. Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.