BĐS Cuối Năm: Người Có Tiền Chờ Đợi, Người Có Hàng Lo "Ngộp

Trong khi tài sản "ngộp" rao bán bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên thị trường thì dòng tiền gửi ngân hàng trong dân vẫn tiếp tục tăng lên. Nới lỏng tín dụng đang là kỳ vọng gỡ nút thắt cho thị trường vào năm 2023.

Lượt Tìm Kiếm BĐS Giảm Mạnh, Dòng Tiền Chảy Vào Ngân Hàng

Trong báo cáo thị trường quý 3/2022 được ATM tổ chức trực tuyến đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn có phần trình bày về kinh tế vĩ mô và tình hình giao dịch thị trường BĐS. Ông Quốc Anh cho biết, mức độ quan tâm BĐS bán tại các địa phương trên khắp cả nước tiếp tục sụt giảm so với quý 2/2022. TP.HCM là điểm sáng lẻ loi trên bức tranh ảm đạm khi ghi nhận lượt tìm kiếm tăng 6%. Theo ông Quốc Anh, diễn biến này phù hợp với những nhận định mà Batdongsan.com.vn từng đưa ra trước đó: dòng tiền dài hạn sẽ quay trở lại thị trường TP.HCM do đây là đầu tàu kinh tế cả nước. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường mang tính chọn lọc và phân loại mạnh như hiện nay, những khu vực nào có mặt bằng kinh tế tốt, thị trường BĐS nơi đó sẽ có sự bền vững hơn các khu vực khác.

Lượt tìm kiếm bất động sản giảm mạnh trong quý 3/2022 Lượt tìm kiếm BĐS giảm mạnh trong quý 3/2022, ở tất cả các địa phương. Nguồn: Batdongsan.com.vn

Đáng chú ý, trong số các loại hình BĐS, đất nền có lượt tìm kiếm sụt giảm mạnh nhất lên tới 50% so với đỉnh năm 2022. Nguyên nhân do đây là loại hình đã tăng nóng trong 2 năm dịch bệnh. Các loại hình khác cũng có lượt tìm kiếm sụt giảm tương đối mạnh, trong đó nhà riêng giảm 25%, biệt thự giảm 12%, chung cư giảm 9%. Riêng loại hình nhà mặt phố có lượt tìm kiếm tăng 8% do liên quan đến nhu cầu thuê nhà, mặt bằng kinh doanh phục hồi mạnh sau dịch.

Nhu cầu sụt giảm khiến giao dịch toàn thị trường khá ảm đạm. Ông Quốc Anh cho biết, trong quý 3, giao dịch chậm hơn nhiều so với quý 2, nguyên nhân do dòng tiền trong dân dịch chuyển vào ngân hàng. Dữ liệu tổng hợp từ nhiều nguồn của Batdongsan.com.vn cho thấy, tiền gửi ròng của người dân vào ngân hàng tăng mạnh từ cuối năm 2021. Thị trường rủi ro, giao dịch chậm, lãi suất tăng... là bối cảnh khiến người dân chọn kênh tích lũy an toàn là gửi ngân hàng hưởng lãi suất.

 Giao dịch BĐS sụt giảm mạnh, tiền gửi ròng của người dân vào ngân hàng tăng mạnh từ cuối năm 2021. Nguồn: Batdongsan.com.vn tổng hợp từ số liệu của NHNN

Tài Sản Ngộp Sẽ Xuất Hiện Nhiều Hơn Trên Thị Trường

Để làm rõ hơn nguyên nhân sụt giảm giao dịch trên thị trường, Batdongsan.com.vn đã thực hiện những lát cắt ở nhiều khía cạnh: nhu cầu mua, xu hướng dòng tiền, tình hình sử dụng dòng vốn vay... Đối với việc sử dụng đòn bẩy tài chính - kênh huy động vốn chính của nhiều nhà đầu tư BĐS, khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy lượng vay vốn mua BĐS đã giảm rõ rệt. Cụ thể, theo kết quả khảo sát các nhà môi giới về đánh giá biến động lượng giao dịch tại thời điểm tháng 6 và tháng 9/2022: tháng 6 chỉ có 28% nhà môi giới cho biết giao dịch giảm mạnh (hơn 50%) thì đến tháng 9, số môi giới đưa ra nhận định này chiếm tới 43% số người tham gia khảo sát.

Đi sâu hơn vào giao dịch cụ thể, năm 2021, gần 45% môi giới tham gia khảo sát cho biết có khoảng 30-50% giao dịch BĐS liên quan vay vốn, nhưng quý 3/2022 chỉ có hơn 39% môi giới còn giữ nhận định này. Đáng chú ý, trong số các giao dịch môi giới đã thực hiện, chưa đến 50% giao dịch phục vụ nhu cầu ở thực, như vậy phần còn lại là mục đích đầu tư. "Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng BĐS như hiện nay, những trường hợp đầu tư sử dụng vốn vay nhiều khả năng dẫn đến tình trạng "ngộp" do sức ép trả lãi ngân hàng", ông Quốc Anh nhận định.

 

 
Tin rao bán hàng "ngộp" đã xuất hiện trên các hội, nhóm

Tìm hiểu thực tế của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đã xuất hiện các tài sản rao bán do "ngộp" tài chính. Đây là tài sản của những nhà đầu tư vay vốn ngân hàng mua vào, do thị trường trầm lắng, tài sản không tăng giá hoặc tăng ít, trong khi lãi suất liên tục điều chỉnh tăng, nhiều người không có tiền trả theo tiến độ, chịu lãi vay cao buộc phải bán tài sản đầu tư. Tuy nhiên, do thị trường thanh khoản kém, khó tìm được người mua, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán giá thấp hơn thị trường để tránh lỗ hoặc giảm lỗ.

>> Nhà Đầu Tư Bị Ép Giá Khi Sang Nhượng BĐS

Các tài sản "ngộp" có thể là căn hộ dự án, đất nền vùng ven, nhà riêng... điểm chung là nhiều tài sản có giá trị lớn, ở các vị trí xa trung tâm nên chậm thanh khoản. Đây là cơ hội cho những người có vị thế dòng tiền tìm kiếm những sản phẩm tốt, có giá rẻ hơn mặt bằng chung thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, dù rao bán cắt lỗ nhưng thực tế mới chỉ là "cắt lãi", giá thấp hơn thị trường nhưng không nhiều nên chưa đủ hấp dẫn. Từ nay đến đầu năm 2023, khi chưa có tín hiệu rõ ràng nào về việc nới room tín dụng, các tài sản cắt lỗ, giảm lãi có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn, là cơ hội săn tìm sản phẩm tốt, giá hợp lý.

Khi dòng tiền bị siết chặt như hiện nay, người có tiền nhàn rỗi có xu hướng chờ đợi cơ hội hoặc gửi ngân hàng hưởng lãi suất; người có nhu cầu mua thực khó tiếp cận vốn vay... khiến thanh khoản sụt giảm, nguồn cung đọng trên thị trường nhiều hơn. Tình hình sẽ chỉ được cải thiện khi dòng vốn tín dụng được khơi thông, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt. Các chuyên gia kỳ vọng, trong năm 2023, Chính phủ sẽ có những điều tiết về tín dụng để gỡ nút thắt này cho thị trường BĐS.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận